Ngủ thăm để trăm năm hạnh phúc
Ngày : 10-12-2015 Lượt xem : 1137
Tập tục cạy cửa ngủ thăm đã sống cùng người Dao ở đất này từ nghìn năm nay. Tập tục này giúp đôi trẻ mai này ở được với nhau trọn đời" - già Bàn A Khả (80 tuổi) giảng giải.
Nếu thấy đèn trong buồng của cô gái còn sáng, tức là chưa có ai đến "tranh phần", chàng trai phải tự cạy cửa để vào nhà. Vào được rồi, chàng ta sẽ nằm xuống bên cạnh cô gái và phải để tự bàn tay cô gái ấy tắt hay vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người chỉ được trò chuyện, tâm sự mà không được chạm vào người nhau.
Ngay từ khi tròn 15 tuổi, các thiếu nữ Dao đã được phép để các chàng trai “cạy cửa ngủ thăm”
Người Dao xưa cho rằng, tình cảm không chỉ là chuyện riêng tư của đôi trai gái mà còn là mối quan tâm chung của thổ thần (thần đất, quán xuyến công việc của mỗi nhà), tổ tiên và gia đình. Hành động cạy cửa cũng chính là dịp để thử tài khéo léo, giỏi giang của chàng trai. Sau nhiều đêm tìm hiểu như thế, cô gái sẽ có quyền quyết định cho chàng trai đó "ngủ thật" hay không.
Để được "ngủ thật" cùng nhau, hai người phải thưa với bố, mẹ cả 2 bên gia đình để xem có hợp tuổi không. Khi thời gian "ngủ thật" bắt đầu, cũng là lúc chàng trai phải đến ở làm công cho gia đình cô gái.
Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà mình, muốn về phải được gia đình cô gái cho phép. Nếu cô gái không thích thì sẽ gói quần áo cùng với một gói cơm nắm cho vào địu và bảo: "Anh cứ về thôi!". Cũng có khi cô gái bảo: "Hôm qua, em nằm mơ thấy ác mộng"…
Dạy con cái phải tuân thủ những luật tục của bản làng ngay từ nhỏ là điều mà đồng bào Dao ở Phú Thọ rất chú trọng, chính bởi vậy dù có tục lệ "ngủ thăm" nhưng rất hiếm khi ở bản có chuyện "không chồng mà chửa" hay "phạt vạ trai bản".
Có lẽ chính sự nghiêm minh đã giúp các thế hệ người Dao hiểu thế nào là ý nghĩa trắng trong của phẩm tiết trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Và đó cũng là lý do để tục "cạy cửa ngủ thăm" còn sống mãi trong tiềm thức của cộng đồng dân tộc này dù hôm nay, dưới tác động của kinh tế thị trường, tập tục đã có phần bị mai một...