Việt Nam có 160.000 ca ung thư/năm: Vì sao ăn bẩn, độc
Ngày : 15-12-2015 Lượt xem : 1243
VIỆT NAM CÓ 160 000 CA UNG THƯ MỖI NĂM
Mỗi năm Việt Nam có từ 130 nghìn đến 160 nghìn trường hợp mắc mới, trong đó có khoảng 85 nghìn đến 115 nghìn người tử vong do căn bệnh này.
115.000 người tử vong do ung thư/năm
Theo đó tại Việt Nam, ghi nhận ung thư tại một số tỉnh, thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ… ước tính mỗi năm có từ 130 nghìn đến 160 nghìn trường hợp mắc mới, trong đó có khoảng 85 nghìn đến 115 nghìn người tử vong do căn bệnh này.
Xu thế mắc không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới.
Loại ung thư nam giới thường gặp hiện nay là gan, phổi, dạ dày, ruột, vòm họng; ở nữ là ung thư vú, gan, phổi, cổ tử cung và dạ dày.
Giới chuyên môn cho rằng gánh nặng ung thư toàn cầu đã tăng gấp đôi từ 1974 đến năm 2000 và sẽ còn tăng gấp đôi kể từ nay đến năm 2030.
Nguyên nhân được cho là môi trường ô nhiễm và sử dụng thực phẩm, đồ uống không đảm bảo.
Trước đó khi trao đổi với Đất Việt, ông Đặng Dương Bình, nguyên Trưởng phòng quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu vấn đề: cứ nói tại sao ung thư ngày càng nhiều, câu trả lời rất đơn giản là môi trường ngày càng ô nhiễm.
Ăn độc hàng ngày
Trong khi đó thực phẩm ăn vào cơ thể con người hàng ngày nhưng không dễ gì có thể kiểm soát.
Thông tin gần đây nhất là táo, lê nhập từ Trung Quốc về bán trên thị trường Việt Nam nhưng tới 5 tháng mà vẫn tươi.
Về việc này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, việc kiểm tra trái cây nhập khẩu của Việt Nam hoàn toàn đúng quy trình, theo thông lệ quốc tế, chỉ có những người có thể chưa hiểu nên mới ý kiến nọ kia.
Ông dẫn chứng, táo, lê có rất nhiều loại giống, có những giống bảo quản được 6-10 tháng.
"Nguyên lý để bảo quản trái cây được tươi khác hoàn toàn nguyên lý bảo quản mứt, bánh kẹo - những sản phẩm chế biến. Trái cây sau khi hái từ trên cây xuống vẫn là một thực thể sống, tế bào vẫn hoạt động và vẫn có quá trình trao đổi chất. Nếu bảo quản trong nhiệt độ thấp (1-5 độ C là phù hợp nhất cho táo, lê), rồi sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng, tức dùng hoóc môn thực vật chứ không phải thuốc độc hại, thì trái cây để được hàng tháng trời là chuyện rất bình thường".
Trước đó, hồi tháng 6/2014, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phát hiện 17 lô hàng trong đó có 8 loại gồm 6 loại trái cây và 2 loại củ từ Trung Quốc chứa chất độc hại bao gồm: Nho tươi, chanh tươi, hồng quả, cà rốt, táo, cam tươi, quýt tươi và củ cải trắng.
Toàn bộ lô hàng này lên tới 300 tấn hoa quả tươi. Tuy nhiên trong số đó có 1 mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc chứa dư lượng endosulfan. Ngoài ra, mẫu nho Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai có dư lượng chất difenoconazole vượt ngưỡng 3-5 lần.
Loại táo Fuji có xuất xứ từ Yên Đài, Trung Quốc, một sản phẩm được ưa chuộng ở Việt Nam vì mẫu mã đẹp, lại bị phát hiện được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại.
Được biết, chất bột trong các bọc nhựa chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen).
Không chỉ có vậy thời gian qua biết bao nhiêu thông tin bắt bớ về các vụ việc liên quan đến nội tạng gà, lợn, thực phẩm ôi thiu, thải loại của Trung Quốc... được tuồn vào Việt Nam.
Phương Nguyên