Thiết bị y tế
MÁY CHỤP CẮT LỚP CÓ AN TOÀN ?
Ngày : 14-12-2015 Lượt xem : 1241
MÁY CHỤP CẮT LỚP CÓ AN TOÀN ?
Ngày 20-8 - 2006, Bộ Y tế Anh đã đề nghị điều tra về độ an toàn của máy chụp cắt lớp đối với sức khỏe con người. Theo tính toán, máy chụp cắt lớp có mức phóng xạ gấp 200 lần so với chụp X-quang. Một số nghiên cứu khoa học cho rằng lượng phóng xạ lớn như vậy đủ để kích thích sự phát triển của các khối u.
Đề nghị của Bộ Y tế Anh được đưa ra trong bối cảnh một số bệnh viện tư ở Anh có xu hướng sử dụng máy chụp cắt lớp kiểu "MOT" rất đắt tiền để phát hiện sớm các bệnh ung thư và tim mạch.
Hiệp hội y khoa Anh khuyến cáo các bác sĩ chỉ nên sử dụng máy chụp cắt lớp để phát hiện những triệu chứng không bình thường trong cơ thể sau khi bệnh nhân đã tiến hành các xét nghiệm, hoặc thậm chí đã trải qua các cuộc phẫu thuật.
Song hiện nay, các bệnh viện tư nhân ở Anh vẫn thu của bệnh nhân tới 2.000 bảng (gần 4.000 USD) cho một lần chụp cắt lớp. Họ lập luận rằng việc soi chụp thường xuyên để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu sẽ giúp cho quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Hãng tin Sky News cho biết Ủy ban nghiên cứu về tác hại y tế của phóng xạ hiện đang tìm hiểu những nguy cơ và lợi ích của phương pháp chụp cắt lớp đối với những người chưa có triệu chứng bệnh tật. Bản nghiên cứu này dự kiến sẽ được công bố vào tháng 3-2007.
Theo TTXVN
Tin trên là của thông tấn xã Việt Nam, đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng của ta loan tải.
Tác giả dùng dấu hỏi ở tiêu đề bài viết. Tôi không giám sửa, về mặt chuyên môn tôi muốn thay tiêu đề trên như sau: MÁY CHỤP CẮT LỚP RẤT NGUY HIỂM
Vì sao áy chụp cắt lớp là do giáo sư người Anh và Mỹ phát minh ra, lại được trao giải Noben Y học mà Bộ y tế nước Anh và một số nước khác lại nói rằng nó nguy hiểm ? vì nó rất nguy hiểm. xin trích dẫn tiếp các thôn tin sau:
CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH CT- SCANNER
I. LỊCH SỬ CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH (CT):
Năm 1917, J. Radon, nhà toán học người Áo, nghiên cứu lý thuyết lực hấp dẫn và ông đã chứng minh rằng vật thể hai hay ba chiều có thể được dựng lại từ vô số hình chiếu của vật.
Năm 1956, Bracewell, nghiên cứu phóng xạ vũ trụ và ông xây dựng bản đồ mặt trời từ hình chiếu các tia.
Năm 1961, Oldendorf và Cormack đã tìm hiểu “chụp hình cắt lớp vi tính” và họ đã xây dựng được mô hình thực nghiệm.
Năm 1968, Kuhl và Ewards đã chế tạo máy quét cắt lớp dùng trong lĩnh vực khảo sát hạt nhân, nhưng họ chưa phát triển ý tưởng đó vào hình ảnh y học.
Năm 1972, G. N Hounsfield giới thiệu máy chụp cắt lớp vi tính đầu tiên ở Anh. Độc lập với nghiên cứu của Hounsfield, ông A. Cormack cũng nghiên cứu và phát minh hệ thống máy tương tự. Sự ra đời của CT được xem là cuộc cách mạng trong chẩn đoán hình ảnh y học. Đến năm 1979, giải Nobel Y học được trao cho hai nhà khoa học này.
Đến nay, với nhiều cải tiến kỹ thuật và phầm mềm vi tính đã cho ra đời 4 thế hệ máy. Thế hệ thứ ba (CT xoắn ốc, spinal hay helical CT) và thứ tư (CT đa dãy đầu dò, MDCT hay MSCT) được sử dụng phổ biến hiện nay.
Tương lai cải tiến máy CT với hai nguồn phát tia X; CT kết hợp với PET.
II. CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH LÀ GÌ?
Chụp cắt lớp vi tính (Computer Tomography Scanner; viết tắt là CT)
CT là kỹ thuật tạo ảnh cắt lớp dựa trên nguyên lý: đầu đèn phát chùm tia X với độ dày nhất định cắt ngang qua cơ thể theo nhiều hướng khác nhau trên mặt phẳng trục. Đầu dò thu nhận và đo lượng tia X này sau đó máy vi tính xử lý và tạo hình ảnh.
III. CHỈ ĐỊNH CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH:
CT được chỉ định rộng rãi cho các cơ quan, phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý.
1. Não:
- Tai biến mạch máu não: nhồi máu não, xuất huyết não, dị dạng mạch máu não.
- Chấn thương sọ não: máu tụ, dập não, nứt sọ…
- Các u não.
- Bệnh lý viêm não – màng não.
2. Hốc mắt: u, chấn thương, viêm.
3. Tai – mũi – họng: u, chấn thương, viêm.
4. Ngực: CT rất có giá trị chẩn đoán
- Bệnh lý phổi: u, viêm, áp – xe, dãn phế quản, khí phế thũng…
- Bệnh lý màng phổi: tràn dich, tràn khí, viêm, u.
- Bệnh lý trung thất: u, hạch, viêm…
- Bệnh lý mạch máu: phình, bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc phổi.
- Bệnh lý tim và mạch vành.
5. Bụng:
- U gan, mật, tụy, thận, lách. Đặc biệt kỹ thuật chụp Dynamic rất có giá trị trong chẩn đoán u gan.
- Bệnh lý viêm: tụy, túi mật, ruột thừa…
- Chẩn đoán sỏi: túi mật, gan, tụy, thận – niệu quản…
- Chấn thương bụng.
- Phình, bóc tách động mạch chủ bụng
6. Chậu: u bàng quang, u tiền liệt tuyến, u tử cung, u buồng trứng…Tuy nhiên chẩn đoán hình ảnh vùng chậu thì MRI và siêu âm có giá trị chẩn đoán cao hơn CT.
7. Cột sống: chấn thương cột sống, u, viêm.
8. Cơ – xương: chấn thương, u, viêm.
IV. NHỮNG ĐIỀU BỆNH NHÂN CẦN BIẾT TRƯỚC KHI CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH:
- CT cho hình ảnh tương phản cao, thời gian khảo sát rất nhanh có giá trị chẩn đoán cao trong nhiều bệnh lý. Đặc biệt là phương tiện chẩn đoán đầu tay trong các trường hợp cấp cứu chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, chấn thương bụng, đau bụng cấp, đa chấn thương.
- CT sử dụng tia X, nên phải có bác sĩ chỉ định và thận trọng đối với phụ nữ có thai.
- Trong lúc chụp: bệnh nhân nên nằm yên để hình ảnh được đẹp.
- Bệnh nhân không cần chẩn bị gì.
- Trường hợp chụp có tiêm thuốc cản quang hoặc gây mê, bệnh nhân nên nhịn ăn khoảng 4 giờ.
- Giá chụp CT: tùy bộ phận và có tiêm thuốc cản quang hay không.
- Đặc biệt bệnh nhân có thể bảo hiểm y tế và giấy giới thiệu chuyển viện đúng tuyến thì không đóng thêm tiền trừ trường hợp có tiêm thuốc cản quang thì bệnh nhân đóng thêm tiền thuốc.
Tiếp
CHỤP CẮT LỚP CT VÀ MỨC NHIỄM XẠ
Hằng năm, tại Úc có thêm nhiều người yêu cầu được chụp cắt lớp (CT). Kết quả chụp CT cung cấp nhiều thông tin giá trị giúp định hướng điều trị y tế. Tuy nhiên, phương pháp này cũng dẫn đến một lượng nhiễm xạ nhất định. Điều đó có đáng lo ngại hay không
ISTOCKPHOTO
Quả là một điều kì diệu trong y học hiện đại khi ai đó bị bệnh, bác sĩ không cần mổ ra mới xác định được vấn đề gì đang diễn ra trong cơ thể. Giờ đây, bác sĩ có thể chụp ảnh các bộ phận trong cơ thể để chẩn đoán bệnh.
Lĩnh vực kỹ thuật hình ảnh y học khởi đầu với việc phát hiện ra tia X vào cuối những năm 1880. Tuy nhiên, một trong những tiến bộ vượt bậc xuất hiện vào thập kỷ 1970 khi phương pháp chụp CT xuất hiện.
Trong khi chụp X-quang chỉ có thể chụp một hình ảnh, thì với chụp CT, các bác sĩ có được nhiều hình ảnh X-quang mặt cắt ngang cơ thể chúng ta.
Phương pháp này cho phép các bác sĩ nhìn rõ các bộ phận, xương và mạch máu trong cơ thể, qua đó chẩn đoán các tình trạng sức khỏe như bệnh ung thư, chấn thương, tổn thương và những dấu hiệu bất thường trong hộp sọ cũng như ổ bụng.
Phương pháp này vừa nhanh vừa không gây đau đớn. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi việc sử dụng phương pháp chụp CT ngày càng gia tăng mỗi năm ở Úc cũng như nhiều nước khác.
Mặc dù vậy, chụp cắt lớp cũng có mặt trái: cơ thể sẽ bị nhiễm lượng phóng xạ cao hơn so với phương pháp chụp X-quang truyền thống.
Như tất cả mọi người đều biết, mức phơi nhiễm phóng xạ cao có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh ung thư gia tăng. Vậy khi ngày càng nhiều người sử dụng phương pháp chụp CT, chúng ta có nên lo lắng hay không?
Hiểu rõ hiện tượng phơi nhiễm phóng xạ
Mỗi năm, con người phơi nhiễm với khoảng 1,5 millisievert (mSv) bức xạ ‘nền’, từ phóng xạ của chính Trái đất và từ vũ trụ tỏa ra.
Nếu đem so sánh, trong một lần chụp CT, con người tiếp xúc với lượng phóng xạ dao động từ 1 mSv tới 15 mSv.
Lượng phóng xạ của mỗi lần chụp CT khác nhau phụ thuộc vào bộ phận cơ thể được chụp và kỹ thuật áp dụng.
Theo ước tính, một lần chụp CT vùng ngực tương đương với ít nhất 100 lần chụp X-quang thông thường.
Mặc dù tỉ lệ này dường như khá lớn, nhưng nó chỉ dẫn đến mức gia tăng nguy cơ ung thư rất nhỏ trong suốt vòng đời – trên thực tế tăng khoảng 0,04%, theo ước tính của Trường Cao đẳng Hoàng gia Đào tạo Chuyên gia Chẩn đoán Hình ảnh Úc và New Zealand.
Như vậy, nếu một người có 30% nguy cơ mắc bệnh ung thư trong suốt cuộc đời, thì tỉ lệ này tăng lên 30,04% sau một lần chụp CT.
Tuổi tác và giới tính cũng là yếu tố cần xem xét trong tỉ lệ này. Ví dụ, mô vú ở phụ nữ và tế bào ‘non’ ở trẻ em nhạy cảm với phóng xạ hơn.
Bệnh nhân trẻ tuổi có nguy cơ ung thư cao hơn người già bởi tác động của việc phơi nhiễm phóng xạ phải mất một thời gian dài (nhiều thập kỷ) mới xuất hiện.
Rủi thay, tất cả các con số tính toán này đều dựa chủ yếu vào dữ liệu từ những người sống sót sau các vụ nổ bom nguyên tử chứ không phải những người đã chụp CT và X-quang.
Do vậy, hiện có những ý kiến trái chiều về mức độ nguy cơ do phơi nhiễm phóng xạ mức thấp.
Tiến sĩ Matthew Andrews, Chủ tịch Trường Cao đẳng Hoàng gia Đào tạo Chuyên gia Chẩn đoán Hình ảnh Úc và New Zealand, giải thích rằng ở mức độ phơi nhiễm phóng xạ thấp, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những giả định về mức độ nguy cơ.
“Bằng chứng hiện có cho thấy, nguy cơ mắc bệnh ung thư gia tăng ở mức phơi nhiễm cao. Tuy nhiên, với liều lượng thấp hơn, khó xác định được mức độ nguy cơ hơn”, Tiến sĩ Matthew Andrews nhận định.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Andrews, chưa chắc chắc không có nghĩa là chúng ta bỏ qua nguy cơ tiềm ẩn.
“Khi tình hình còn chưa xác định, chúng ta nên có thái độ là cần giảm thiểu mức phơi nhiễm phóng xạ chứ không nên tiếp xúc với những nguy cơ không cần thiết,” ông Andrews khuyến cáo.
Cải thiện tình hình
Giáo sư Lâm sàng Richard Mendelson, Giám đốc Chương trình Đào tạo Chẩn đoán Hình ảnh Tây Úc tại Perth, cho rằng việc giảm thiểu phơi nhiễm phóng xạ là phần rất quan trọng trong quy trình đào tạo các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.
Nhờ những tiến bộ trong công nghệ và kỹ thuật hình ảnh, lượng phóng xạ trong chẩn đoán hình ảnh liên tục được giảm xuống.
Trên toàn thế giới, phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm – hai phương pháp không sử dụng phóng xạ - ngày càng được sử dụng nhiều như giải pháp thay thế cho chụp CT trong những trường hợp phù hợp.
Chính phủ Liên bang Úc mới đây đã thay đổi quy định ngân sách Chăm sóc Y tế để phương pháp chụp cộng hưởng từ có chi phí thấp hơn và tất cả người bệnh dễ tiếp cận hơn.
Thậm chí hệ thống phác đồ điều trị từ các bác sĩ cũng thay đổi. Theo Tiến sĩ Andrews, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phản hồi lại cho các bác sĩ đa khoa trong trường hợp có thể áp dụng các xét nghiệm thay thế có mức tiếp xúc phóng xạ thấp hơn.
Thêm vào đó, cách tốt nhất để giảm tối đa mức phơi nhiễm là tránh chụp CT khi không cần thiết.
Hội đồng Chống Ung thư đã đưa ra ví dụ về những trường hợp không nhất thiết phải chụp CT:
• Khám các triệu chứng thông thường như đau lưng.
• Theo dõi lâu dài những bệnh nhân đã được điều trị ung thư thành công, hiện có tình trạng sức khỏe tốt và không có các triệu chứng bất thường.
• Cảnh báo bác sĩ thận trọng không để bị khiếu kiện do chẩn đoán sót bệnh ung thư ở những người không có các triệu chứng.
• Theo dõi lâu dài những bệnh nhân đã được điều trị ung thư thành công, hiện có tình trạng sức khỏe tốt và không có các triệu chứng bất thường.
• Cảnh báo bác sĩ thận trọng không để bị khiếu kiện do chẩn đoán sót bệnh ung thư ở những người không có các triệu chứng.
Mặc dù bác sĩ là người cuối cùng chỉ định chụp CT, nhưng cần lưu ý rằng áp lực từ bệnh nhân nhiều khi khiến bác sĩ đưa ra những yêu cầu xét nghiệm không phù hợp.
Nguy cơ và lợi ích
Trong khi bác sĩ và bệnh nhân có những bước tiến để giảm thiểu phơi nhiễm phóng xạ, các chuyên gia nhấn mạnh rằng chúng ta không nên ‘để trẻ sơ sinh vùng vẫy trong bồn tắm’.
Ông Mendelson cho rằng bệnh nhân không nên trì hoãn thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khi cần thiết.
“Nguy cơ với từng bệnh nhân do chụp CT rất nhỏ. Cần để từng bệnh nhân nhận thức được rằng lợi ích tiềm tàng lớn hơn nguy cơ”, ông Mendelson nói.
Ví dụ, ông Andrews cho rằng trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư phổi ở tình trạng có thể điều trị được, thì lợi ích của việc chụp CT quá rõ ràng. Phương pháp chẩn đoán này có thể khẳng định hoặc loại trừ nghi vấn ung thư.
“Nguy cơ bỏ sót chẩn đoán ung thư phổi lớn hơn nhiều so với nguy cơ nhiễm lượng phóng xạ nhỏ, thậm chí nếu kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân không mắc bệnh”, ông Andrews nhận định.
Hội đồng Chống Ung thư lưu ý them rằng nhiều bệnh nhân đã kéo dài sự sống hay nhiều trường hợp tử vong đã được ngăn chặn nhờ phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
Khi có biểu hiện cần chụp CT hoặc xét nghiệm bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, dưới đây là một số câu hỏi và một số bước cần thực hiện.
• Yêu cầu bác sĩ chỉ định nêu vắn tắt nguy cơ và lợi ích, liệu xét nghiệm có giúp thay đổi phác đồ điều trị hay không.
• Hỏi bác sĩ có các xét nghiệm hay phương pháp thay thế sử dụng ít phóng xạ nhưng hiệu quả tương đương hay không.
• Lưu giữ thông tin về các đợt chụp chẩn đoán hình ảnh để thảo luận với bác sĩ. Tránh lặp lại các xét nghiệm không cần thiết.
• Thông báo cho bác sĩ trước khi chụp trong trường hợp bạn mang thai.
• Tự tìm hiểu thông tin bằng cách truy cập các trang web trực tuyến hữu ích.
• Nếu chưa chắc chắn, bạn có thể xin tư vấn của một bác sĩ khác.
• Hỏi bác sĩ có các xét nghiệm hay phương pháp thay thế sử dụng ít phóng xạ nhưng hiệu quả tương đương hay không.
• Lưu giữ thông tin về các đợt chụp chẩn đoán hình ảnh để thảo luận với bác sĩ. Tránh lặp lại các xét nghiệm không cần thiết.
• Thông báo cho bác sĩ trước khi chụp trong trường hợp bạn mang thai.
• Tự tìm hiểu thông tin bằng cách truy cập các trang web trực tuyến hữu ích.
• Nếu chưa chắc chắn, bạn có thể xin tư vấn của một bác sĩ khác.
Tiếp
CHỤP CẮT LỚP CÓ THỂ TĂNG NGUY CƠ UNG THƯ
Thứ Sáu, 30/11/2007, 08:10 (GMT+7)
TTO - Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy phóng xạ từ chụp cắt lớp (CT scan) có thể làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt đối với trẻ em.
China Daily trích nghiên cứu được thực hiện bởi các giáo sư Trường ĐH Columbia và Trường ĐH về X-quang Mỹ cho thấy khoảng 2% trong tổng số các ca ung thư ở Mỹ có thể xuất phát từ phóng xạ chụp cắt lớp.
Theo các bác sĩ, con số này có thể còn nhiều hơn do ung thư từ phóng xạ có khi cần 10-20 năm để theo dõi mới xác định chính xác được. Các nhà khoa học cho biết tác hại của một lần chụp đối với cá nhân thì không nhiều nhưng việc chụp nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Tỉ lệ người Mỹ tiếp xúc với loại phóng xạ này đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1980 tới nay, chủ yếu là do chụp cắt lớp. Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học này hồi năm 2001 cũng chỉ ra rằng có nhiều cách để hạn chế bớt những lần chụp như vậy, đặc biệt đối với trẻ em. Trong năm ngoái có khoảng 62 triệu lượt bệnh nhân (trong đó có 4 triệu lượt là trẻ em) tiến hành chụp cắt lớp ở Mỹ, tăng rất nhiều so với con số 3 triệu hồi năm 1980.
Cho đến nay việc chụp cắt lớp trở nên khá phổ biến vì tương đối rẻ, không gây đau đớn và có thể nhanh chóng đưa ra bức ảnh ba chiều chi tiết. Bác sĩ hiện hay dùng chụp cắt lớp để đánh giá những chấn thương, đau ở bụng, đau đầu kinh niên, sỏi thận. Đối với trẻ em họ thường dùng để kiểm tra xem có mắc ruột thừa hay không.
Theo tính toán, một lần chụp cắt lớp ngực có tỉ lệ phóng xạ gấp 1.000 lần so với chụp X-quang thông thường. Đặc biệt những người bị mắc sỏi thận thường có tỉ lệ chụp cắt lớp nhiều hơn các người khác, đồng nghĩa với việc có nguy cơ nhiễm xạ càng cao do các phóng xạ này thường tích tụ lại trong người.
Tiến sĩ Fred Mettler phụ trách về X-quang tại Cơ quan cựu binh ở bang New Mexico cho biết từng gặp những người mới 30 tuổi mà đã có tới 18 lần chụp cắt lớp.
Tiếp
CHỤP CẮT LỚP CÓ NGUY CƠ BỊ ẢNH HƯỞNG PHÓNG XẠ
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, bệnh nhân sử dụng phương pháp chụp cắt lớp (CT) để chẩn đoán bệnh có thể bị ảnh hưởng phóng xạ, bởi máy chụp cắt lớp có mức phóng xạ cao gấp 200 lần so với chụp X-quang.
Một số nghiên cứu khoa học cho rằng, lượng phóng xạ lớn như vậy đủ để kích thích sự phát triển của các khối u.
Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Christian Arning, Phó Chủ tịch Hội y học siêu âm Đức cho thấy, việc chụp CT các cơ quan nội tạng trong ổ bụng của bệnh nhân sẽ khiến ảnh hưởng phóng xạ cao gấp 50 lần so với phương pháp chụp X-quang trước đây.
Ở Đức, mỗi năm các bác sĩ thực hiện gần 10 triệu ca chụp CT. Tuy nguy cơ gây ung thư qua từng ca chụp CT không lớn nhưng nhiều người dân Đức đang có xu hướng không muốn sử dụng phương pháp này.
Bộ Y tế Anh cũng từng yêu cầu điều tra về độ an toàn của máy chụp cắt lớp đối với sức khỏe con người. Hiệp hội y khoa Anh đã khuyến cáo các bác sĩ chỉ nên sử dụng máy chụp cắt lớp để phát hiện những triệu chứng không bình thường trong cơ thể sau khi bệnh nhân đã tiến hành những xét nghiệm, hoặc thậm chí đã trải qua các cuộc phẫu thuật.
Giáo sư Christian Arning cho rằng, có thể khám và chẩn đoán bệnh bằng phương pháp siêu âm không có tia phóng xạ, thay cho nhiều trường hợp dùng phương pháp có tia phóng xạ như chụp X-quang và CT.